Một buổi chiều sau giờ làm việc chạy vào thăm, tôi thấy bác sĩ trực đứng trước cửa phòng. Ông ta kéo tôi ra hành lang nói mẹ tôi chỉ còn một vài ngày trên cõi đời này. Ông khuyên tôi nên nghỉ làm để có mặt đây đây hàng ngày. Thấy mẹ đang ngủ mắt nhắm nghiền, tôi không muốn đánh thức người, thất thểu đi ra ngoài sân, lựa một cái ghế băng dưới gốc cây bàng rồi ngồi xuống móc thuốc hút. Nhìn làn khói thuốc loãng dần trong gió, tôi tưởng tượng rồi linh hồn mẹ cũng sắp như làn khói xám tan biến đi vĩnh viễn. Tôi nghĩ đến thân phận cô đơn sau khi người ra đi nay mai. Ý tưởng sống đơn côi không làm tôi hãi nhưng làm tôi cảm thấy cô đơn nhất là sự việc xảy ra đột ngột. Đang từ tình cảnh ra đường vào nhà luôn có mẹ có con, dù chỉ hai người nhưng có nhau thế mà chẳng bao lâu nữa ... Ngoài một người cậu đang sống ngoài Trung, tôi hoàn toàn tứ cố vô thân. Tôi chưa bao giờ ra Trung, không quen ai ngoài đó, dĩ nhiên ngoại trừ người cậu, tôi không muốn nhổ rễ bỏ Nam đi xứ khác. Bạn bè, nghề nghiệp, nhà cửa, gốc gác thẩy đều ở đây, không dứt được.
Những ngày sau đó mẹ tôi mê man nằm liệt giường không ăn uống nói năng gì.
Tôi còn nhớ ngày cuối cùng của người. Bước vào phòng, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ tỉnh táo hơn hôm trước, ngồi lên trên giường lưng dựa vào tường, tóc tai chải gọn ghẽ. Thấy tôi vào, mẹ chỉ cho tôi kéo ghế lại ngồi gần giường xong hỏi.
- Con đã đánh điện cho cậu chưa? Mẹ biết mẹ chỉ còn hôm nay hay ngày mai thôi. Mẹ đã lớn tuổi, chết là vừa, chỉ buồn là không sống được lâu hơn để bế cháu.
Giọng người thật điềm đạm như chấp nhận cái chết một cách thản nhiên, cho nó là đúng. Phần tôi thì tin mẹ cũng như một ngọn đèn bùng lên trước khi tắt. Tôi ngồi thừ ra không biết nói sao cho phải, có cảm tưởng là bất cứ gì mình nói ra đều là vô duyên không đúng lúc. Mẹ hỏi khi nào cậu đến.
- Cậu nói tối khuya nay, tôi đáp.
Im lặng một lúc thật lâu, mẹ vói tay ra cầm lấy tay tôi rồi bảo.
- Chắc con nghĩ là mẹ sắp được gặp cha con?
Tôi gật đầu. Một nụ cười khô héo và thật buồn trên môi người. Suốt đời sống với mẹ, chưa bao giờ tôi thấy một nụ cười buồn như vậy trên mặt người.
...
Người thầy giáo tuổi đã trung niên từ thủ đô về dạy học tại trường tiểu học quận và gặp người con gái. Cô này xuất thân từ một gia đình nghèo nhưng nuôi mộng trở thành đào cải lương. Cô thiếu nữ có nhan sắc và giọng hát, chướng ngại vật duy nhất cho ước mộng danh vọng của cô là mù chữ. Không bao giờ được cho cắp sách đến trường vì gia cảnh, cô không biết đọc không biết viết. Nhờ công lao dạy dỗ của người thầy sẵn với trí thông minh và lòng hiếu học và nhất là mộng nổi danh hun đúc trong đầu, chẳng mấy chốc cô thiếu nữ đã biết đọc biết viết và đã đọc được những bài ca vọng cổ một cách trôi chảy.
Sau cùng, mộng làm đào cải lương của cô được thành tựu khi gánh hát trên tỉnh trong lần xuống quận trình diễn đã mướn cô cho một vai phụ. Từ lòng cảm phục lòng kiên trì của cô gái, người thầy giáo vượt qua giới hạn thầy trò và đem lòng yêu cô ta. Cô thiếu nữ cũng yêu lại, phần vì cảm động trước tấm lòng tốt của người thầy phần trong lòng rung động trước phong thái của người đàn ông đến từ chốn văn minh, nơi mà cô mường tượng ra sẽ là chốn thành công tuyệt đỉnh của mình trong tương lai. Hai người thương nhau vô cùng nhưng cô đào hát không biết là người yêu mình đã có gia đình trên tỉnh. Sau những lần tằng tịu cô mới khám phá ra sự thật về người yêu. Không những không đoạn tuyệt, cô đào hát còn xúi dục người thầy bỏ vợ con trên Sài Gòn để lập gia đình riêng với mình.
Cả phần cuối truyện cha tôi tả lại nỗi dằn vặt nội tâm của người đàn ông ngoại tình. Câu chuyện hết ngang vì không có kết cục, không nói rõ cuộc tình đi đến đâu, người thầy không đi đến được một quyết định nào. Ông bỏ ngỏ đoạn kết để người đọc tự đưa ra một kết cục riêng. Đặt quyển truyện xuống sập, tôi chợt nhớ còn lá thư của cha nhờ người đưa lại cho mẹ ngày người bỏ đi mà tôi vẫn chưa đọc. Mẹ nói cha đã giải bày tâm sự mình trong lá thư đó. Đã nhiều lần nhìn cái phong bì trên mặt chỉ lỏn lọn một chữ "Mình" thật lạc lõng tôi đâm ngại không muốn mở ra xem. Không phải tôi ngại đọc những lý cớ cha đưa ra cho sự ra đi của mình, tôi chỉ ngại thấy hình ảnh mẹ đau buồn khi đọc những giòng chữ biện bạch.
...
Có một mãnh lực gì làm tôi khựng chân lại. Tìm được cha tôi sau bao nhiêu năm mất dấu vết dễ đến thế sao? Thế tại sao mẹ tôi không cất công đi tìm? Lòng oán hờn trong lòng mẹ tôi hẳn to lớn hơn lòng thương nhớ nên người không buồn đi tìm chồng.
Tiếng chó sủa từ bên trong căn nhà nhỏ có một cái sân đất con phía trước đem tôi trở về thực tại. Một con chó mực từ trong chạy ra, nó đứng lại nơi ngưỡng cửa rồi cứ chu mỏ ra sủa.
Tiếng một người đàn bà mà tôi đoán hãy còn trẻ căn cứ vào giọng nói từ đâu đó trong nhà vọng ra.
- Con Lan chạy ra coi ai tới dzậy!
Vài giây sau, một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi mặc đồ bộ chân đi đất đi ra. Đến gần con chó mực, nó đá vào mông con chó một cái, con vật cụp đuôi biến mất vào trong nhà. Thấy tôi nó giương mắt nhìn một lúc rồi hỏi.
- Chú kiếm ai dzậy?
Tôi cố nhái giọng người Nam để cho nó hiểu.
- Ba má con có nhà?
Đứa bé gái không nói gì, nó quay lưng chạy vào trong. Vài phút sau có tiếng dép lẹt xẹt rồi tôi thấy một người đàn bà nom còn trẻ tay bế một đứa bé trai ngồi hai chân chàng hảng trên hông mẹ nó đi ra. Không thể là cô Sáu Ngọc được, cô Ngọc phải già hơn, tôi lại lầm nhà chăng?
Vẫn giữ cái giọng miền Nam ngọng pha tiếng Bắc, tôi lên tiếng hỏi.
- Xin lỗi bà, tôi tìm nhà ông Nguyễn Minh Thành.
Người đàn bà trẻ đáp trong khi mắt nhìn tôi soi mói.
- Hổng có ai ở đây tên Nguyễn Minh Thành.
Tôi chưng hửng, cứ đứng thờ ra đó. Bà chủ nhà tưởng tôi không nghe rõ, lập lại câu trả lời. Tôi vội móc túi áo lấy phong bì cha tôi gởi ông Quang ra đưa cho bà ta xem.
- Địa chỉ này có phải là nhà này không bà?
...
- Khoan, khoan!
Tiếng một người con gái trẻ làm tôi tỉnh ngủ ngay, ngóng tai về nơi âm thanh quen thuộc ấy xuất phát.
- Hồng, tôi buột miệng kêu lên.
Phải, Hồng vừa mới lên tiếng gọi xe đò.
Tôi thò đầu ra ngoài nhìn thấy Hồng hai tay xách mấy lồng mây dài trống không, hớt ha hớt hải chạy đến. Người lơ xe nhảy xuống trong khi tên tài xế thì lầm bầm chửi thề nói xe đi đã trễ giờ mà còn phải chờ. Không cần suy nghĩ, tôi nhảy thót xuống xe đi lại nàng. Thấy tôi, Hồng cười thật tươi, má đỏ ửng lên, đưa tay vuốt mấy sợi tóc xõa trên trán miệng lí nhí chào. Tôi không đáp lại, chỉ giúp người lơ xe đỡ mấy cái lồng mây từ tay nàng xong trèo lên mui buộc vào thật chặt. Lên trên xe, tôi chỉ Hồng lại ngồi chỗ của tôi tuốt phiá dưới. Những cặp mắt xung quanh chĩa về hai đứa chúng tôi, những cái nhìn soi mói làm Hồng ngượng, nàng vội ngồi xuống, cúi gằm mặt nhìn xuống sàn xe không nói gì. Biết nàng đang mắc cở, tôi cũng đành ngồi im lơ đãng nhìn ra ngoài đường.
Chờ xe đi được một lúc và những cái nhìn tò mò lúc nãy được cất đi tôi mới khẽ nói vào tai Hồng- Cũng ngồi tuốt dưới như lần buổi sáng mình đi từ Sài Gòn. Bây giờ đã dạn dĩ hơn với tôi, Hồng cười để lộ hai hàm răng trắng đều chứ không cười chúm chím đưa tay che miệng nữa. Khi nói sát tai Hồng, tôi không ngửi thất bất cứ một mùi nước hoa nào nhưng từ người nàng toát ra một mùi thơm thật quyến rũ, mùi thơm của nắng. Nhìn vành tai xinh xắn và những sợi tóc mai lơ thơ trên má, tôi hết sức muốn hôn nhẹ lên chiếc má rám nắng đó.
- Anh đi đâu sớm vậy? Hồng hỏi trước.
- Tôi đi Mỹ Liêm tìm người quen, còn Hồng đi đâu? Về nhà?
- Dạ, em dìa nhà.
- Hồng làm gì mà lên tuốt trên đây?
- Dạ, em đi giao mấy con gà cho mấy tiệm bà con quen trên đây bữa hôm qua, ngủ lại nhà bà dì, sáng sớm nay dìa.
...
-Em tên gì?
- Dạ, Tú Uyên.
Tú Uyên! Một tên thật thơ mộng cho một miền đất quê mùa như Tây Ninh phải là do một nhà văn đặt ra. Rồi tôi nhớ lại lời mẹ tôi nói đã lâu lắm rồi khi tôi còn học tiểu học "Ngày mẹ có thai con, cha mẹ thỏa thuận nếu là con trai thì đặt tên lót là Minh vì đó là tên lót của cha, nếu là con gái thì tên lót là Tú vì là tên của mẹ." Cha vẫn còn nghĩ đến mẹ khi cô Sáu sinh cho người một đứa con gái.
- Em học lớp mấy?
Ngập ngừng vài giây, Uyên đáp:
- Lớp tư nhưng em bây giờ không đi học.
- Em nhớ bạn em không?
Những giọt nước trên má con bé chảy dài trên má lăn xuống cằm. Nó đưa tay quẹt chúng thật nhanh. Tôi vỗ về.
- Em muốn học thì anh dậy em.
Trong ánh sáng lờ mờ, đôi mắt Uyên sáng lên như hai ngọn đuốc soi đường cho mình đi. Tôi đang mò mẫm trong một vùng xa lạ tăm tối và cần hai ngọn đuốc ấy. Tôi quan sát đứa em gái cùng cha khác mẹ của tôi. Nó trông khá thông minh, sẽ học được nhiều nếu được dạy dỗ tử tế.
- Em nghỉ học bao lâu rồi?
- Dạ, năm trước. Em ở nhà phụ má đem đồ ra chợ bán.
Tôi lắc đầu. Vùng xa lạ tăm tối của tôi không tăm tối bằng con đường tương lai của Uyên, em tôi sẽ vấp ngã nếu không có ánh đuốc soi đường.
Cơn mưa bên ngoài nặng hột hơn. Ngồi nơi đây chật hẹp tù túng nhưng tôi không muốn đứng lên bỏ đi vội. Cha tôi đã giam mình trong này bao tháng qua, thức đêm thức khuya để viết. Tôi hình dung ra hình dáng người ngồi trước bàn mải mê với đam mê của một nhà văn, viết lách. Nguời đã viết gì?
Copyright © 2018 Khoi's bookshelf - All Rights Reserved.
Powered by GoDaddy
We use cookies to analyze website traffic and optimize your website experience. By accepting our use of cookies, your data will be aggregated with all other user data.